Tôi muốn bớt bận
Tôi thích bận rộn
Tôi muốn bận rộn
Các câu này, nhìn có vẻ khác nhau nhưng kết quả của những người nói chúng lại khá tương đồng.
… vẫn cứ là bận rộn hơn.
Khoảng 9 tháng trước, tôi nói: Mình muốn bận rộn. Y như rằng công việc tới tấp tới mà bận “không ngóc đầu” lên được, tâm trí luôn nghĩ tới việc hoàn tất dự án.
Rồi tôi nhận ra, tôi cũng thích thảnh thơi, mà rõ ràng bận rộn, thảnh thơi lại là hai trạng thái khác nhau. Nhưng bản thân tôi lúc đó tập trung nhiều hơn vào bận rộn nên quên mất bản thân còn thích thảnh thơi. Vừa muốn bận rộn lại vừa muốn thảnh thơi, tôi nhìn lại và tự cười chính mình. Bây giờ, tôi nhận ra mình muốn sống ý nghĩa, muốn làm thật nhiều điều tốt đẹp nhưng với tâm thái thả lỏng, thư thái, tập trung cao độ, từ đó tôi cũng có được thảnh thơi, làm mà như chơi.
Tôi quen một vài người khác, họ nói:
– Tôi muốn bớt bận.
Một phần họ là học viên của tôi, họ chưa dành được thời gian để nghiêm túc làm bài về nhà. Họ nói họ có quá nhiều thứ cần làm, từ công việc tới gia đình, bận tới mức ngủ cũng chưa đủ cơ. Họ không muốn bận rộn nhưng trên thực tế càng ngày càng mắc kẹt ở hai chữ “bận rộn”. Với những người này, thực tế họ muốn sắp xếp được thời gian để đi học đúng giờ, làm bài đầy đủ nên mong muốn của họ là “có thời gian cho việc học”. Vậy, nếu họ tập trung vào “bớt bận rộn” thì họ đang chú ý nhiều hơn tới các vấn đề; còn nếu họ tập trung vào “có thời gian cho việc học” thì họ tập trung vào tìm giải pháp, sắp xếp được thời gian cho nó.
Một người chị lần đầu tiên nói với tôi về luật hấp dẫn: Vũ trụ KHÔNG HIỂU được những từ PHỦ ĐỊNH, nên hãy nói câu khẳng định nhé! Tôi khắc cốt ghi tâm tới giờ.
Chúng ta hấp dẫn những gì mình nghĩ, dù là khẳng định hay phủ định.
Nào, từ giờ bạn có thể cùng tôi đổi cú pháp nhé!
Tôi không muốn bận rộn > tôi muốn rảnh rang, tôi muốn thảnh thơi.
Tôi không muốn bực tức > tôi muốn sự thoải mái, thả lỏng, thư thái. Tôi là người dễ chịu.
…
Bạn đang tập trung vào điều gì? Bạn muốn bận rộn hay thảnh thơi?